Cuộc sống vẫn tiếp diễn (Tự truyện Đồng Đức Thành)

Xin giới thiệu với các bạn cuốn tự truyện “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” của anh Đồng Đức Thành, một người sống chung với HIV. Cuốn tự truyện có lẽ là một tài liệu tham khảo tốt cho các bạn MCs khi chuẩn bị các đề tài liên quan đến HIV và sự kỳ thị liên quan đến HIV. Các bạn tìm đọc nhé! 

Dưới đây là một đoạn trích trên báo Người đại biểu nhân dân Online:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/5/ContentID/44193/Default.aspx

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/5/ContentID/44256/Default.aspx

Mười tám tuổi, nhiễm HIV và chịu sự kỳ thị của người thân, đồng nghiệp, nhưng Đồng Đức Thành không suy sụp và nản chí như nhiều người cùng cảnh. 14 năm qua, anh đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền công khai cho quyền sống và làm việc của người bệnh giữa cộng đồng.Mười tám tuổi, nhiễm HIV và chịu sự kỳ thị của người thân, đồng nghiệp, nhưng Đồng Đức Thành không suy sụp và nản chí như nhiều người cùng cảnh. 14 năm qua, anh đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền công khai cho quyền sống và làm việc của người bệnh giữa cộng đồng.

Trước kia khi mới biết mình nhiễm HIV, tôi cứ nghĩ mình là người duy nhất đau khổ. Giờ đây đến tỉnh nào, chúng tôi cũng phải chứng kiến những câu chuyện, những tâm sự của các bạn cùng cảnh và mỗi ngày chúng tôi lại càng có thêm nhiều người bạn mới. Họ đủ mọi thành phần trong xã hội, kỹ sư, y tá, văn nghệ sĩ, sinh viên và những người lao động bình thường. Nhiều anh, chị vẽ rất đẹp và hát cũng rất hay. So với các bạn cùng cảnh ở các tỉnh xa Hà Nội, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều. Có bạn đã từng lên kế hoạch tự tử nhưng không thành. Hầu hết, các bạn không đủ tự tin để tiếp cận với thông tin về HIV và các dịch vụ chăm sóc về y tế, xã hội. Thậm chí còn không biết cách để tự chăm sóc bản thân mình. Ngay tại thành phố Hạ Long quê hương của tôi cũng chưa có bất cứ câu lạc bộ hay nhóm tự lực của những người sống chung với HIV nào.
      Tôi có cơ hội được đứng trước rất nhiều người cùng cảnh để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân và những kiến thức đã được học từ tổ chức CARE và Policy. Tôi nhớ nhất một anh trong hội thảo đứng lên hỏi chúng tôi:
      – Trước kia em nghe mọi người mách lên Hà Nội để mua thuốc, em mua thuốc uống được ba tháng sau đó lại nghỉ vì hết tiền. Anh cho bọn em biết tên thuốc và mua ở đâu để khi nào có tiền em lại mua uống tiếp?
      – Chúng tôi không phải bác sĩ, cũng không phải chuyên gia nên chúng tôi không thể khuyên các anh, các chị về điều trị được, chỉ chia sẻ với các anh chị những kinh nghiệm về chăm sóc tại nhà thôi. Nhưng các anh chị không nên tự mua thuốc uống mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn. Chỉ uống thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự mua thuốc uống. Chúng tôi cũng là người nhiễm HIV như các anh chị thôi.
      Tôi nghe có tiếng bàn tán to nhỏ ở phía dưới: “Chắc bọn này là cán bộ dự án như mấy lần trước nhưng nói đùa vậy để tạo không khí gần gũi thôi”.
      Những ngày đầu, họ không tin chúng tôi cũng là người nhiễm HIV mà nghĩ chúng tôi là chuyên gia ở Hà Nội về. Các bạn cùng cảnh của tôi đa số là mù kiến thức về điều trị. Họ không biết được khi nào thì cần phải uống thuốc và uống suốt đời. Có tiền tự mua thuốc một vài tháng để uống sau đó lại nghỉ. Sự gần gũi và thân thiện giữa những người cùng cảnh như một thứ ngôn ngữ vô hình đã giúp chúng tôi gần gũi và xích lại gần nhau. Càng về sau chúng tôi càng hiểu nhau hơn.
      Mỗi lần bế mạc hội thảo, sau năm ngày làm việc mệt mỏi, lần nào chia tay nhau chúng tôi cũng bịn rịn, quyến luyến không muốn về Hà Nội. Rất nhiều bạn đã khóc vì xúc động. Chúng tôi lại nắm tay nhau cùng hát vang bài hát “Gặp nhau đây, rồi chia tay…”.
      Về tới Hà Nội, chúng tôi liên tục nhận được những lá thư, những cuộc điện thoại của các bạn nhiễm HIV ở các tỉnh gọi về với nội dung hỏi thăm sức khỏe. “Anh ơi bọn em đã thành lập nhóm rồi, thứ bảy tuần sau bọn em tổ chức lễ ra mắt. Em mời anh chị xuống tham gia vui với bọn em”.
      Mối tình của những người nhiễm HIV cũng bắt đầu nảy nở, cho đến nay tôi cũng không thống kê được có bao nhiêu cặp tình nhân của những người nhiễm HIV. Có anh chị đã tổ chức đám cưới và sinh ra những đứa con bụ bẫm.
      Đã có đôi tổ chức đám cưới và sinh con. Rất may là cháu không nhiễm bệnh – phần thưởng cho sự cố gắng, nỗ lực của họ. Cháu Nguyễn Hải Sơn Hà – vừa tròn ba tháng, bụ bẫm, nặng sáu cân rưỡi, giờ đây là niềm hy vọng của hai anh chị T – N ở nhóm Khát Vọng, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc được hai tháng, làm xét nghiệm nhanh PCR để tìm kháng nguyên với virus HIV trong máu đã âm tính, cháu lại không bú sữa mẹ, anh T hy vọng lần xét nghiệm sau sáu tháng, kết quả sẽ lặp lại, và con anh không bao giờ phải chịu gánh nặng HIV/AIDS nữa. Cái tên anh chị đặt cho con mang ý nghĩa của tất cả thế giới này, với biển, núi và sông. Anh T mong chờ đứa con sẽ có khát vọng, ý chí mạnh mẽ của một người đàn ông. Những câu chuyện cảm động và kết thúc có hậu như thế không còn là hiếm nữa. Có anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng vẫn tìm được hạnh phúc và tiếp tục hy vọng.

Mấy tháng trước, trên đường đi công tác từ Thái Nguyên về Hà Nội, chúng tôi có dịp ngồi cùng xe với anh Hùng sinh hoạt ở nhóm Vì ngày mai tươi sáng ở Thái Nguyên. Trên đường đi, anh lái xe vừa điều khiển xe vừa nói chuyện. “Mắt của Hùng bây giờ không nhìn thấy gì sao?” Nét mặt Hùng buồn buồn và trầm tư, im lặng một lúc sau Hùng mới nói: “Dạ em chỉ nhìn thấy hơi mờ mờ thôi”. Hùng kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của anh. Trước kia, Hùng đã từng sử dụng ma túy. Sau đó, bị gia đình giam trong một căn phòng tối để cai. Khi mắt anh chỉ thấy ánh sáng mờ mờ từ phía cửa sổ hắt vào và không thể đọc được sách nữa, gia đình anh vẫn không tin vì nghĩ Hùng nói dối để được ra ngoài đi mua ma túy và vẫn giam Hùng trong nhà. Thấy Hùng mang mấy bộ quần áo cũ, chúng tôi hỏi: “Bây giờ Hùng định đi đâu?” Hùng cười rất tươi thể hiện rõ niềm vui trên khuôn mặt vuông chữ điền trông rất đàn ông và hiền lành rồi trả lời: “Dạ em đi thăm bạn gái”. Hùng nhờ chị Hằng, cán bộ chương trình Dự án Policy gọi điện cho bạn gái ra đón. Người ở đầu dây bên kia là chị của bạn gái Hùng. Hùng cho chúng tôi biết hệ miễn dịch của anh và bạn gái còn rất thấp. Bạn gái của Hùng là do chị Y trưởng nhóm giới thiệu. Một tuần, hai người đến thăm nhau một lần, thỉnh thoảng động viên lẫn nhau qua điện thoại, nhắc nhau uống thuốc đúng giờ… Xe dừng lại ở bưu điện huyện Phổ Yên cách Thái Nguyên hai mươi cây số. Chờ cho xe dừng hẳn, tôi đỡ Hùng xuống xe. Chúng tôi hỏi: “Hùng có nhận ra ai đây không, có phải chị gái của bạn vừa nghe điện thoại không?” Hùng trả lời: “Không phải đâu, đây chính là bạn gái em vì em nghe tiếng chân quen rồi”. Chúng tôi chờ cho hai người dắt tay nhau đi khuất rồi mới lên xe đi tiếp.
      Một số công chức nhà nước khi biết mình bị nhiễm HIV thì sự đau khổ còn lớn hơn gấp nhiều lần. Họ không dám công khai về tình trạng nhiễm HIV của mình. Họ tưởng sẽ không bao giờ được yêu nhưng họ đã có tình yêu.
      Vào những kỳ nghỉ cuối tuần, anh T, cán bộ tổ chức CARE, đi từ Hà Nội xuống Vân Đồn, Quảng Ninh thăm người yêu. Hai năm trước, gặp nhau ở quán cà phê P.P – văn phòng nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội, anh T còn gọi “người ấy” là chị vì ít hơn chị đến ba tuổi. Nhiễm HIV qua chồng, chồng mất, rồi con cũng mất chưa đầy năm sau đó, chị đã chìm trong những tháng ngày trầm cảm. Nét mặt hiền hậu của người phụ nữ chất phác, thật thà ấy đã làm anh rung động. Một thành viên trong nhóm Vì ngày mai tươi sáng lập tức nhận ra ánh mắt khác thường ấy của T, yêu cầu anh T và chị Hạnh mỗi người đứng một bên rồi cao giọng: “Bây giờ T không gọi Hạnh là chị mà đã gọi là “em Hạnh ơi” rồi. Tình yêu đến, tuổi tác chắp cánh bay đi”. Chị Hạnh mặt đỏ bừng, anh T cũng ngượng nghịu mãi mới cất thành lời: “Em yêu chị…”. Tiếng vỗ tay ran cả căn phòng nhỏ là lời tác thành của những người có mặt. Anh T cảm động: “Mình cứ nghĩ người nhiễm không bao giờ được yêu nữa, nhưng cuối cùng, vẫn được hạnh phúc gõ cửa tìm đến”. Hôm nay (9.12), anh T lại đã có mặt ở Vân Đồn. Bố chị Hạnh vừa mất đầy một trăm ngày vì ung thư phổi. Anh thổ lộ với tôi: “Sau đợt hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cuối tháng, bọn mình sẽ đi đăng ký kết hôn. Bố mẹ, anh em ở Thanh Hóa cũng chỉ đợi ngày đón con dâu, chị dâu cả!”.
      Xưa nay hiếm có ai cai được ma túy. Có lẽ anh S đã may mắn vì đã tìm được người bạn đời và hướng đi cho mình sau năm, bảy lần cai nghiện.
      Tôi gặp S tại quán cà phê P.P, nơi đây nhóm Vì ngày mai tươi sáng gọi là ngôi nhà chung của những người đang phải chung sống với HIV đến sinh hoạt. Thoạt nhìn, chắc không ai nghĩ S là một thanh niên vừa ở trại cải tạo về vì S có một thân hình vạm vỡ như “tráng sĩ Thạch Sanh”, lại nói chuyện hóm hỉnh, có duyên và vui tính. Mọi người gọi anh là “S chim xanh” vì anh “hót” suốt ngày. Anh rất cởi mở khi kể về quá khứ của mình. Anh nói: “Mình vừa ở trại về và có tiền sử sử dụng ma túy, đã cai tất cả khoảng năm, sáu lần rồi nhưng cũng không chắc là lần cuối cùng”. Khi đến nhà S chơi, tôi mới biết gia đình S là cán bộ nhà nước. Bố S là phó giám đốc một công ty cơ khí còn mẹ S là cửa hàng trưởng cửa hàng rau hoa quả thời kỳ còn bao cấp. Khi về hưu các cụ mở nhà nghỉ ở bến xe Gia Lâm để tạo thu nhập. S sinh ra và lớn lên trong một nơi đầy rẫy những tệ nạn xã hội, chẳng khác nào “một xã hội thu nhỏ” như bến xe Gia Lâm, thì quả thực khó tránh khỏi sự cám dỗ. S đã từng có một gia đình hạnh phúc, có vợ và con trai khoảng bảy, tám tuổi. Chẳng hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào khiến anh vập vào “trắng”. Mới đầu là hút, sau “ăn lên” phải chuyển sang chích. Rồi những lúc đến cữ, không chịu được có lần dùng chung kim tiêm với bạn chích. Vì nhu cầu mỗi ngày một cao, không kiếm ra tiền, anh đã phạm tội. Anh quyết tâm cai ma túy nhưng ý chí của con người khó thắng nổi “cơn dục tình của nàng tiên trắng” rồi lại dùng lại, không biết bao nhiêu lần. Sau khi ra tù, không chịu được sự phản bội của người vợ, S đã ly dị. Thất vọng, chán chường, anh lại tìm đến cảm giác của ma túy. Nhưng số phận đã không bỏ rơi anh, S may mắn tìm được một người bạn gái cùng cảnh. D là cán bộ chương trình Dự án Policy, quê ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng sống và làm việc tại Hà Nội, chính cô là người đã giúp anh đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, kéo S lên từ vũng bùn lầm lỗi. Lúc đó không ít người kêu: “D dại quá, sao không bỏ quách thằng đó đi”. S kể lại: “ Em biết không, những lúc ấy tưởng chừng không thể vượt qua được. Toàn bộ cơ thể hụt hẫng, mệt mỏi, cảm giác đau đớn từ trong não, như có con giòi bò ở trong xương. Em cứ tưởng tượng khi đói cơm như thế nào thì ma túy gấp nghìn lần như vậy. Những lúc ấy D đã chăm sóc anh. Cái rét về đêm mùa đông ở Hà Nội thấu đến tận xương, D đã chở anh đi cai”. Khi ấy, D giấu tôi nhưng là đồng nghiệp tôi biết mỗi lần đến cơ quan, D rất mệt mỏi và gầy sụt đi vì hết giờ đi làm lại phải chăm sóc người yêu. D có quyết định chuyển công vào tác vào văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh. S cũng theo người yêu vào trong đó, tham gia tuyên truyền, sinh hoạt trong một nhóm tự lực của những người nhiễm HIV. Hai gia đình S và D đã có lễ ra mắt họ hàng. Có người hỏi D với giọng mỉa mai: “D ơi, S đã cai được ma túy chưa?”.
      Tôi biết rằng hiện nay S sống lành mạnh và hợp tác. Anh hiện là tình nguyện viên cộng đồng dự án GIPA của Liên Hiệp Quốc. Anh còn là trưởng nhóm Tình bạn (một nhóm tự lực của người nhiễm HIV ở thành phố Hồ Chí Minh). Gặp lại tôi, anh tuyên bố rất hùng hồn “Mình vào trong đó để sống trọn nghĩa vẹn tình với D”. Nghe nói anh S và chị D dự định làm đám cưới vào cuối năm 2007.
      Trong giới những người làm truyền thông về HIV/AIDS, có lẽ nhiều người nhận thấy năng lực của các nhóm tự lực của người nhiễm HIV đã khác hẳn so với những năm trước. Họ chủ động trong việc lên kế hoạch và ra quyết định trong các hoạt động của nhóm. Có nhóm trở thành đối tác quan trọng với các tổ chức phi chính phủ. Nhưng có một điều mà những người làm chương trình khó đo đếm được, đó là đã có bao nhiêu mối tình và những câu chuyện tình cảm nảy nở từ các nhóm và cuộc sống của họ ra sao. Có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu được điều đó.
      Vì ngày mai tươi sáng, mạng lưới của các nhóm tự lực những người nhiễm HIV đã khá phát triển. Họ không còn là đối tượng của chương trình nữa mà trở thành những người thiết kế, người thực hiện, người giám sát chương trình. Mạng lưới đã trải rộng trên mười tỉnh phía Bắc. Các thành viên trong ban điều hành nhóm đã tự đi thương thảo với hãng thuốc ARV do Việt Nam sản xuất với giá ưu đãi để thành lập câu lạc bộ những người dùng thuốc ARV.

Mùa giáng sinh năm 2006, nhà thờ có tổ chức buổi giao lưu và gặp mặt với một số nhóm người nhiễm HIV tại Hà Nội. Ở đó, tôi đã gặp Thảo. Đến nơi đã thấy đông đủ thành viên của các nhóm Hoa Sữa, Hoa Xương Rồng và nhóm Cho Bạn Cho Tôi. Anh Phát, một thành viên nòng cốt nhóm Hoa Sữa ra nói chuyện với tôi, dẫn tôi đến chỗ một thành viên mới gia nhập nhóm.
      – Giới thiệu với Thành đây là bạn Thảo nhà ở Đông Anh. Còn đây là anh Thành, cán bộ Dự án Policy cũng là con cái của Chúa, hiện nay đang cô đơn, rất cần tìm bạn gái để tâm sự.
      Suốt buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ giữa những con cái Chúa trong ban thanh niên của nhà thờ Hàng Da và thành viên các nhóm, thỉnh thoảng, quay sang tôi thấy Thảo đang nhìn mình.
      Lúc ra về, Thảo đi trước tôi vài mét. Cô cố tình đi chậm lại để có người nói chuyện.
      – Thảo bây giờ đang làm công việc gì?
      – Em đang làm cho công ty tư vấn ISO.
      – Chắc em học về kinh doanh?
      – Dạ không, em học thông tin ạ.
      – Sinh hoạt trong nhóm em thấy thế nào? Có vui không?
      – Cũng chỉ giải quyết được 20% thôi anh ạ. Công việc của anh có vất không?
      – Cũng không vất vả lắm.
      – Anh Thành đã lập gia đình chưa?
      – Anh chưa, còn em?
      – Chồng em mất rồi. Hiện nay, em đang ở với bố mẹ.
      – Bây giờ em về Đông Anh hả?
      – Không, có khi muộn rồi em về nhà bạn Thúy bên Gia Lâm, sáng mai mới về.
      Về đến nhà tôi lại hình dung ra hình ảnh người con gái nông thôn có vẻ không tự tin lắm, giọng nói hơi nặng, chân chất, có gương mặt trầm uất đượm buồn. Tôi cảm thấy tội tội cho Thảo. Tôi nhắn tin cho Thảo: “Chúa sẽ chúc phước cho em. Chúc em ngủ ngon”.
      Nhận được tin nhắn của tôi Thảo ngạc nhiên hỏi một chị cùng nhóm.
      – Chị Hoa ơi, chị có biết anh này không? Anh ấy nhắn tin cho em này.
      – Đưa chị xem nào. Ờ chị biết, thằng Thành Policy. Thằng này nó tốt, làm ở Policy.
      Trong đêm Nôen, chúng tôi đi chơi với nhau và tặng nhau những món quà nhân dịp Nôen. Tôi hiểu Thảo rất muốn có bạn trai, nhưng có vẻ như “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
      Tôi được biết trước kia Thảo là sĩ quan quân đội cấp bậc thiếu úy nhưng cả hai vợ chồng đã xuất ngũ từ khi đơn vị biết cô bị nhiễm HIV sau lần sảy thai. 
      Thảo đã bắt đầu dùng thuốc ARV. Chúng tôi uống thuốc cùng giờ nên mỗi lần uống thuốc, tôi lại nháy điện thoại nhắc Thảo. Cái tin tôi và Thảo chơi thân với nhau chẳng mấy chốc cả nhóm Hoa Sữa đều biết. Gặp tôi ở văn phòng Policy, anh Phát nói: 
      – Chúc mừng Thành nhé. Tấn công hơi bị nhanh đấy. Chú phải khao anh đi. Nếu không có anh tác động cho thì còn lâu mới được.
      Bây giờ Thảo là bạn gái thân nhất của tôi. Chúng tôi thuê nhà ở cùng với nhau được gần hai năm. Thảo cũng đã có việc làm ở phòng tư vấn thuộc trung tâm tư vấn Luật pháp chính sách về y tế và HIV/AIDS do tổ chức tôi tài trợ và không còn sinh hoạt ở nhóm Hoa Sữa nữa. Nhớ lại những ngày đầu chúng tôi đến với nhau cũng không dễ dàng chút nào. Có lần không biết Thảo nghe ai nói, đùng đùng đòi gặp tôi để nói chuyện.
      – Thực ra anh là người xấu hay người tốt vậy?
      – Hôm nay em làm sao thế? Sao em lại hỏi vậy?
      – Người ta nói anh không phải là người tốt. Có người còn bảo là em không nên yêu anh vì anh lập dị.
      – Nhưng người ta là ai vậy? Em tin anh hay tin họ?
      – Em tin tình yêu của anh.
      Những người hàng xóm của Thảo ở Đông Anh thấy Thảo ở nhà nhiều không đi làm nên bàn tán dị nghị. Thảo muốn sang Hà Nội ở để đi lại đỡ xa và hơn nữa tránh tiếng cho gia đình. Bà chủ nhà không cho ở cùng, chúng tôi phải tìm thuê một căn phòng khác bên Gia Lâm. Lúc làm hợp đồng thuê nhà, chúng tôi nói trước với chị chủ:
      – Nhưng bọn em chưa có giấy đăng ký kết hôn có được không?
      – Cái đó không sao đâu, nhưng đối với chính quyền phải khéo. Một người đăng ký tạm vắng, tạm trú thôi. Thỉnh thoảng công an khu vực có đi kiểm tra, mỗi năm khoảng vài lần vào dịp chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ lớn như mồng hai tháng chín hoặc giáp tết. Một người tạm lánh vào nhà vệ sinh. Họ không xộc vào đâu nhưng quần áo, giày dép phải cất hết đi.
      Ngày thuê nhà ở bên Hà Nội, chủ nhà không yêu cầu giấy tạm vắng hay tạm trú. Chỉ cần chứng minh thư nhân dân là đủ. Bên này chắc điểm nóng nên công an làm chặt. Một lần, khi chúng tôi vừa dọn đến ở một tuần, khoảng nửa đêm, đang ngủ say thì có tiếng gõ cửa. Tôi bật dậy quát to: 
      – Ai đấy? 
      Tôi nghe có tiếng chị chủ nhà: 
      – Thành ơi, dậy mở cửa cho kiểm tra. 
      Tôi vội vàng vơ quần áo trốn vào trong nhà vệ sinh.
      Lúc Thảo ra mở cửa, thì có tiếng anh công an quát tháo:
      – Nhà này ở mấy người?
      – Dạ, một mình em, mời anh vào trong nhà uống nước đã.
      – Thật không? Ai ở trong nhà vệ sinh ra đi, đừng để tôi phải vào lôi cổ ra.
      Tôi biết không trốn được liền lò dò chui từ trong nhà vệ sinh ra. Anh công an chỉ vào mặt hai chúng tôi và quát:
      – Thằng này mày ở đâu, con này chồng mày đâu? Chứng minh thư đâu?
      – Dạ, đây ạ.
      Nhìn thấy chiếc xe máy dựng trong nhà anh công an lại hỏi tiếp.
      – Giấy tờ xe máy đâu?
      Thảo lấy giấy đăng ký xe máy đưa cho anh công an.
      – Sao đến địa bàn ở mà không đăng ký tạm trú ?
      – Dạ bọn em vừa chuyển đến, anh thông cảm. Bọn em cũng đã nộp hồ sơ cho anh chị chủ nhà rồi.
      Mấy người hàng xóm thuê nhà bên cạnh chạy sang nói:
      – Anh chị này vừa chuyển đến đầu tuần.
      – Giấy đăng ký kết hôn đâu?
      – Dạ, bọn em đang tìm hiểu nhau, chưa đăng ký ạ. Anh vào trong này uống nước đã. Thôi bọn em không biết anh hút thuốc lá gì, biếu anh một chút để mua thuốc lá đêm hôm đi kiểm tra.
      – Không làm thế được đâu nhé. Thôi đi nghỉ đi, ông này không ở đây được đâu.
      Từ hôm đó, anh công an khu vực liên tục đến kiểm tra. Có buổi tối, chúng tôi phải thuê nhà nghỉ để ngủ. Thỉnh thoảng anh công an khu vực đến dọa, tôi vẫn ngồi đọc sách không nói năng gì. 
      – Sao vẫn ở thế này hả?
      – Dạ, đến mười một giờ em sang nhà bác em ạ.
      – Không bác biếc gì đâu. Vẫn ở đây đấy. Trường hợp của anh tôi còn đang phải xác minh. Anh chưa được ở địa bàn này đâu. Chắc anh đã đi làm nên anh hiểu.
      Chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên, suy nghĩ gầy cả người, không yên tâm làm được việc gì cả. Đúng lúc đó có Hòa, thằng bạn học làm công an tỉnh Quảng Ninh, đang học tại chức trên này, đến nhà tôi chơi. Tôi phải gọi điện cho Hòa. Hòa bảo:
      – Thôi được rồi để tôi bảo thằng bạn tôi làm phòng quản lý cán bộ công an quận này. Nó nhiệt tình lắm.
      Từ đấy đến nay, chúng tôi mới được yên thân. Thỉnh thoảng nhìn thấy tôi, anh công an cười và nói: “Toàn anh em cả, thế mà ông không nói trước”.
      Dạo này tôi thấy yếu xìu. Bị phản ứng phụ của thuốc ARV. Đi làm về đến nhà là mệt nhoài. Có hôm cảm thấy nhức mỏi khắp các cơ bắp. Tôi bị viêm gan B, chức năng gan không ổn định, có đợt men gan cao gấp năm lần người bình thường. Để tránh gây độc tính cho gan, theo đơn thuốc của bác sĩ, tôi phải uống một loại thuốc gây ảnh hưởng đến thần kinh trung ương và rối loạn giấc ngủ. Uống thuốc xong là lăn ra ngủ. 
      Một chuyên gia quốc tế nói: “Người nhiễm HIV bị trầm cảm mãn tính”. Khi trả lời phỏng vấn, chúng tôi thường nói mình là người lạc quan nhưng trên thực tế thì không như vậy. Công việc của tôi phải tiếp xúc với rất nhiều người nhiễm HIV. Khi được hỏi thì hầu hết trong số họ đều đã trải qua giai đoạn sốc, khủng hoảng về tâm lý. Nhưng rồi cảm giác đó sẽ qua đi theo thời gian sau khi họ có một công việc mới hay một môi trường mới. Rất nhiều người lại “tái phát” khi gặp một ánh mắt không thân thiện, một câu nói đùa của ai đó hay gặp khó khăn trong cuộc sống. Mỗi người có biểu hiện sốc về tâm lý khác nhau. Tôi cũng có một anh bạn giống như tôi. Sau khi biết kết quả xét nghiệm dương tính, anh ấy mang hết tiền tiết kiệm được trong thời gian làm việc cho công ty “nướng” vào các quán bar. Một số người lại ở lì trong nhà không nói chuyện, không tiếp xúc với ai, lúc nào cũng tha thẩn giống như người bị chứng bệnh tâm thần, dẫn đến suy giảm mất trí nhớ. Có người suy kiệt rồi chuyển giai đoạn AIDS.
      Mỗi lần về nhà tôi để ý thấy Thảo hay ngồi ủ rũ, gương mặt như đang suy nghĩ điều gì, nhất là những lúc ngồi một mình không có việc gì làm. Thảo liên tục đi lau nhà mặc dù nền nhà không bẩn.
      Cách đây sáu tháng, tôi đi kiểm tra, CD4 của tôi là 620 con/mm3 cao như người bình thường. Trong hướng dẫn điều trị, một trong ba loại thuốc tôi đang dùng có tên gọi Efavirenz gây ảnh hưởng đến thần kinh trung ương khiến tôi hay thấy ác mộng. Nhưng không hiểu tại sao tôi đã uống thuốc ba năm rồi mà đêm nào cũng thấy ác mộng. Toàn nằm mơ thấy những người đã chết hiện về rủ tôi đi chơi, đi hát karaoke và đi nhậu nữa. Sáng ngủ dậy, tôi sợ toát cả mồ hôi bèn kể với Thảo.
      – Đêm qua anh mơ thấy về quê gặp mấy người đã mất vì AIDS. Họ mời anh đi uống rượu và nói thẳng vào mặt anh là: “Thành, mày có việc làm ở Policy, có thuốc uống nên quên hết anh em, bạn bè, không quan tâm gì đến anh em ở quê”. Họ còn nói muốn lập nhóm tự lực và sẽ lên văn phòng Policy gặp David để đề nghị Policy hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật. Họ bảo anh ở Hà Nội sướng, còn những người ở tỉnh chịu thiệt thòi nên họ muốn đấu tranh cho sự công bằng.
      – Chắc anh bị phản ứng phụ của thuốc nên mơ lung tung chứ chết rồi còn lập nhóm gì nữa… Anh à! 
      – Gì vậy?
      – Anh có muốn có con không?
      – Sao em lại hỏi vậy? Có con ai chẳng muốn nhưng không phải cái gì mình muốn cũng được.
      – Anh nói dối, anh không muốn, chắc anh sợ, em còn lạ.
      – Nhưng có con rồi ai sẽ nuôi nó? Hoàn cảnh của anh em biết rồi mà. Không có con đã chật vật lắm rồi, còn lúc ốm đau thì sao?
      – Mặc kệ em không biết. Cứ đẻ ra rồi gia đình em sẽ có trách nhiệm. Đã có câu: “Trời sinh voi, trời khắc sinh cỏ”.
      – Anh không ngăn cản việc em có con vì đó là quyền làm mẹ của phụ nữ nhưng phải được bác sĩ tư vấn cẩn thận. Còn phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, tâm lý, tình hình tài chính mới cân nhắc việc có con hay không. Nếu không chăm sóc nó chu đáo thì tội không đảm bảo quyền trẻ em còn nặng hơn nhiều.
      – Mặc kệ, em không biết, khi nào CD4 của em lên 400, em sẽ đẻ cho anh xem.
      – Lúc đó không khéo anh về với Chúa rồi.
      – Chưa, anh còn lâu mới về với Chúa. Mấy người hàng xóm ở đây độc mồm, độc miệng, họ luôn miệng nói: “Sao bác Thảo không đẻ đi”.
      – Ối dào chuyện thiên hạ, em để ý làm gì. Muốn có con chúng mình phải tiết kiệm tiền từ bây giờ đi. Năm nay nghỉ không đi Sa Pa nữa nhé.
      – Ừ, khi nào có bầu, em và anh sẽ đi đăng ký và tổ chức đám cưới. Nhà anh có gien sinh con trai thì chắc là mình sẽ sinh con trai. Nếu là con trai anh định đặt tên nó là gì?
      – Anh đặt tên nó là Đồng Đức Đạt. Nhưng nếu con gái thì sao?
      – Nếu con gái em sẽ đặt nó là Đồng Thị Quỳnh Trang, nhưng chắc chắn không phải là con gái đâu. Thôi sáng rồi dậy đánh răng rửa mặt đi. Em rang cơm với trứng cho anh ăn. Hình như hôm nay anh có hẹn với chị Hằng Quảng Ninh để bàn về việc biên tập sách.
      Tôi không hề để ý tới những gì hàng xóm nói. Công việc cứ thế lôi cuốn tôi quên đi những điều đó. Tôi có hai niềm đam mê là học tiếng Anh và viết báo. 
      Mạng lưới các nhóm Vì ngày mai tươi sáng được tài trợ từ cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, thông qua tổ chức chúng tôi. Trong đó có một hoạt động làm bản tin nội bộ cho các nhóm người nhiễm HIV. Tôi là một thành viên trong ban biên tập. Khác hẳn với những bản tin của các tổ chức khác, đây là bản tin do những người nhiễm HIV trang trí, thiết kế và biên tập.
      Tuần ba buổi, tôi lại tiếp tục đi học tiếng Anh ở trung tâm vào các buổi tối.
      Mỗi ngày, tôi lại học thêm năm từ mới. Tôi cắt những mẩu giấy nhỏ đút vào túi. Một mặt ghi tiếng Anh và phiên âm, mặt còn lại ghi tiếng Việt và tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tập đọc. Thảo thỉnh thoảng lại nhắc tôi: “Anh học ít thôi kẻo bị tẩu hỏa nhập ma”.
      Tôi và các bạn tôi đều có chung một mong muốn rằng, người nhiễm HIV ở Việt Nam đều được điều trị và có một công việc để làm. Chúng tôi sẽ có một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác mà không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Người không nhiễm HIV cũng như người nhiễm HIV có thể kết hôn. Đặc biệt là hy vọng vào một tương lai với sự phát triển của y học để chúng tôi cũng sẽ có con mà không phải lo lắng chúng có bị nhiễm HIV hay không.

      ____________
      Rút từ cuốn Cuộc sống vẫn tiếp diễn – tự truyện của người 13 năm chung sống với HIV của Đồng Đức Thành, NXB Văn Học, 2008.